(Baoquangngai.vn) – Lần đầu tiên, giống tre khổng lồ có nguồn gốc từ Thái Lan được triển khai trồng trên địa bàn tỉnh. Mô hình được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội mới cho người dân trong phát triển kinh tế; phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống sạt lở và xói mòn đất trước những biến đổi khó lường của khí hậu.
Giống tre khổng lồ – Bén rễ trên vùng đất khó
Mùa hè, khu vực đồi núi Xương Rồng, ở xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ) như một chảo lửa. Cây cối rệu rã dưới ánh nắng gay gắt khi trời đứng bóng. Thế nhưng, từ xa xa, những đám tre khổng lồ vẫn vươn mình phát triển giữa một vùng sỏi đá khô cằn.
Dẫn chúng tôi tham quan những rẫy tre khổng lồ, Phó Ban Phát triển vùng nguyên liệu, Công ty CP Tre sinh thái Ecobambu Phạm Văn Hải cho hay, mô hình trồng tre khổng lồ được triển khai đầu tiên tại xã Phổ Phong, với diện tích khoảng 12ha vào cuối năm 2021. Các giống tre được trồng chủ yếu là giống Gigan, Hitung, Guadua… nhập về từ Thái Lan.
Từ cây giống cao chưa tới 0,5m, sau khoảng 7 tháng, nhiều cây tre phát triển thành bụi lớn, cao hơn 3m, mọc nhiều nhánh con và bắt đầu cho măng. Theo quan sát, giống tre khổng lồ có lá to, lóng và thân dài, ít gai. Thân tre và măng mọc thẳng, tách rời nhau, thuận lợi hơn cho người dân khi chăm sóc, khai thác.
“Đây đều là những giống tre thuần chủng, chọn lọc từ hàng trăm giống tre nhập về ở Thái Lan và được chăm sóc kỹ lưỡng khi mang về vườn ươm. Qua một thời gian triển khai tại xã Phổ Phong, chúng tôi nhận thấy, tre khổng lồ hoàn toàn phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở đây. Giống tre rất có triển vọng, có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân”, anh Hải nói.
Theo nhẩm tính, nếu như cây keo sau khi trồng, người dân phải đợi đến 5 năm mới thu hoạch. Sau mỗi vụ thu hoạch đều phải trồng lại. Bình quân 10ha trong thời gian 20 năm, cây keo chỉ cho thu hoạch 4 vụ, lợi nhuận chưa đến 2 tỷ đồng. Đó là đối với vùng trồng keo thuận lợi, còn đối với những vùng đồi núi, hiệu quả thấp hơn do tốn nhiều chi phí nhân công trong quá trình chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển.
Còn đối với tre khổng lồ, người dân có thể thu hoạch măng sau 3 năm và đến năm thứ 5 bắt đầu thu hoạch gỗ nguyên liệu. Tre cho thu hoạch 15 vụ trong 20 năm, thu về khoảng 20 tỷ đồng/10ha. Tre khổng lồ đẻ nhánh và mọc măng nhiều sau thu hoạch, người dân chỉ tốn công chăm sóc trong giai đoạn đầu. Đầu ra ổn định do đơn vị cam kết thu mua.
“ Phổ Phong là xã miền núi của TX. Đức Phổ, điều kiện đất đai khô cằn. Do thiếu nước nên người dân chủ yếu trồng keo và các loại cây hằng năm như mì, mía. Đầu tư, chăm sóc vất vả nhưng hiệu quả kinh tế từ những cây trồng này không như mong đợi. Tre khổng lồ là mô hình mới, được kỳ vọng sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân trên cùng một diện tích đất, góp phần cải thiện môi trường đất ở địa phương”.
(Chủ tịch UBND xã Phổ Phong PHAN TIẾN ĐỊNH)
Giấc mơ tre…
Theo anh Hải, trong những năm gần đây, vật liệu từ tre được xem là “thép xanh” và lựa chọn hàng đầu thay thế cho các sản phẩm gỗ đang dần bị khai thác cạn kiệt. Các sản phẩm từ tre ngày càng được ưa chuộng với độ cứng, khả năng chịu mài mòn, chịu nhiệt, chịu nước cao; an toàn và thân thiện môi trường.
Trên thế giới, Thái Lan, Indonesia hay Trung Quốc là những quốc gia đi đầu trong việc trồng, sản xuất nguyên liệu, chế biến các sản phẩm từ tre khổng lồ; ứng dụng thành công các nguyên liệu tre trong thi công nhà cửa và các công trình xây dựng, xuất khẩu nguyên liệu ra nước ngoài.
Nhận thấy Quảng Ngãi là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển giống tre khổng lồ, anh Hải cùng những người trẻ ở Quảng Ngãi có chung niềm đam mê khởi nghiệp, đã hợp sức thành lập Công ty CP Tre sinh thái Ecobambu. Hiện nay đây là đơn vị duy nhất ở Việt Nam, chuyên cung cấp giống tre khổng lồ lấy gỗ, tre tạo cảnh quan.
Từ lâu, cây tre gắn liền với đời sống và văn hóa ở làng quê Việt. Trước những biến đổi khó lường của khí hậu, tre được khuyến khích trồng để chống sạt lở, xói mòn đất, bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi hệ sinh thái. Dù vậy, trồng tre để phát triển kinh tế vẫn còn xa lạ với nhiều người. Thay đổi thói quen, nhận thức của người dân được xem là bài toán khó nhất đối với anh Hải và những người trẻ trên chặng đường khởi nghiệp mởi mẻ này.
Đó cũng là lý do để Ecobambu tiên phong trồng thử nghiệm tre khổng lồ tại TX.Đức Phổ, đồng hành trực tiếp để người dân thấy được tính thích nghi của cây giống, học hỏi, làm theo. Trong thời gian đến, đơn vị tiếp tục liên kết với người dân phủ xanh đất trống, đồi trọc tại các huyện miền núi Minh Long, Trà Bồng… Khi diện tích trồng tre đạt khoảng 2.000ha vào năm 2025, Ecobambu dự định sẽ hình thành một nhà máy chế biến nguyên liệu, xuất khẩu sản phẩm đi các nơi; đồng thời, phát triển hệ sinh thái đa năng từ cây tre khổng lồ.
Hỗ trợ giống tre cho người dân: Với mong muốn hỗ trợ người dân ở vùng khó khăn được tiếp cận giống tre khổng lồ, vừa qua, Công ty CP Tre sinh thái EcoBambu phối hợp với Phạm Gia Bonsai tổ chức chương trình bán đấu giá cây bonsai gây quỹ gần 800 triệu đồng. Với nguồn kinh phí này, EcoBambu sẽ hỗ trợ giống tre khổng lồ cho người dân xã Long Môn (Minh Long). Đây là địa phương được đánh giá có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển tre khổng lồ trong thời gian tới.
“Bằng sức trẻ, niềm đam mê và quyết tâm, chúng tôi tin mình sẽ thành công, giúp người dân có thêm sinh kế để phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của đời sống và văn hóa của người Việt ở những miền quê, mang đến những vẻ đẹp mới mẻ nơi núi rừng Quảng Ngãi. Trong tương lai, chúng tôi còn có khát vọng phát triển du lịch sinh thái từ mô hình này”, anh Hải chia sẻ.
Thông tin liên hệ
Công ty cổ phần Tre Sinh Thái EcoBambu
Bán giống tre khổng lồ tại Quảng Ngãi – Bán tre cảnh quan – Liên kết hợp tác trồng tre khổng lồ lấy gỗ
Website: ecobambu.vn – Fanpage: facebook.com/TreSinhThaiEcoBambu
Địa chỉ: 126 Lê Trung Đình – Phường Nguyễn Nghiêm – Quảng Ngãi
Hotline: 0918. 664. 966 – 0935. 661. 189