(Nguồn: mard.gov.vn) Ngày 26/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Đối thoại chính sách cấp cao về hợp tác quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Đối thoại do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì.
Đối thoại này là một sự kiện trong chuỗi các sự kiện về Đối thoại chính sách được Bộ NN & PTNT phối hợp với các đối tác quốc tế thông qua diễn đàn Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) thực hiện, nhằm cung cấp thông tin, trao đổi và góp ý cho lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị liên quan nhằm triển khai có hiệu quả, đảm bảo thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, ít phát thải và thích ứng với khí hậu, phát triển gắn liền với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đã được đề ra trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và các chiến lược, kế hoạch khác có liên quan vừa được Chính phủ ban hành.
Mục tiêu của Đối thoại chính sách cấp cao về Hợp tác quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu là chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình đồng quản lý hiệu quả đã được triển khai tại Việt Nam và trên thế giới; những khó khăn, thách thức, các rào cản về chính sách, thể chế trong hợp tác quản lý tài nguyên thiên nhiên; đề xuất những kiến nghị chính sách về hợp tác đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Chia sẻ thành công trong xây dựng mô hình cộng đồng thôn quản lý rừng ngập mặn, bà Ngô Thị Liên, Trưởng cộng đồng thôn Hạ, xã Đồng Rui, Quảng Ninh cho biết, từ những năm 2000, địa phương đã tranh thủ mọi nguồn lực để khôi phục và phát triển rừng ngập mặn. Năm 2005, xã đã thành lập 4 cộng đồng thôn quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn và hoạt động rất có hiệu quả, thường xuyên nắm bắt tình hình, tuyên truyền vận động, bảo vệ, xử lý các đối tượng xâm hại rừng. Từ năm 2000 đến năm 2010, thực hiện thu hồi các diện tích đầm nuôi trồng thủy sản bỏ hoang để đưa vào trồng rừng mới. Đến nay diện tích đất, rừng ngập mặn toàn xã đã lên tới 2.782ha. Thành tích này đưa xã Đồng Rui trở thành xã tâm điểm trong công tác trồng, quản lý, bảo vệ và phục hồi trên toàn tỉnh.
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lào Cai cho biết các mô hình thí điểm hợp tác trong phát triển dược liệu gắn với công tác bảo tồn, phát triển rừng đã đạt được một số kết quả khả quan. Lào Cai có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn (417.463ha), với nhiều loại lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, tinh dầu có giá trị cao có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế dưới tán rừng.
Với mô hình thí điểm, giao rừng để cộng đồng quản lý và bảo tồn phát triển nguồn gien, trong đó có các loài cây dược liệu, người dân đã chủ động về nguồn giống, có việc làm, có thu nhập và hợp tác với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm dựa vào tri thức bản địa đã góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Với việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng trên, cộng đồng còn được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức 500.000 – 600.000 đồng/ha/năm.
Từ thực tế kết quả mô hình hợp tác khai thác, nguồn lợi ngao, sò của Bến Tre, bà Trần Thị Thu Nga, nguyên chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh cho biết, tính hệ thống của tổ chức cộng đồng ngư dân ngày càng rõ nét; diện tích nuôi ngao, chất lượng ngao ngày càng được cải thiện; tính công khai, minh bạch trong nuôi trồng ngao được phát huy và sự phối hợp giữa các bên liên quan ngày càng chặt chẽ.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện hợp tác, quản lý tài nguyên, các chuyên gia cũng đề cập đến những tồn tại, hạn chế. Các chuyên gia cho rằng, khó khăn đầu tiên liên quan đến chi phí giao dịch thời gian và nguồn lực dành cho xây dựng quan hệ đối tác và thương lượng thỏa thuận đồng quản lý. Những cam kết các bên tham gia tiến trình đồng quản lý không bảo đảm gắn bó lâu dài. Vai trò và năng lực của cộng đồng địa phương trong quản lý tài nguyên thiên nhiên còn yếu. Năng lực cần thiết để thúc đẩy tiến trình thương thảo, xây dựng kế hoạch và thỏa thuận đồng quản lý cũng chưa đáp ứng.
Phát biểu tại Đối thoại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, tài nguyên thiên nhiên vẫn có chiều hướng suy thoái, trong khi đó các cộng đồng địa phương – những người phụ thuộc nguồn sinh kế vào tài nguyên thiên nhiên địa phương – bị hạn chế tiếp cận và sử dụng những tài nguyên này. Do vậy, cần xem xét có những giải pháp tổ chức thực hiện khác như “hợp tác quản lý”, “đồng quản lý”, “quản lý cộng đồng” để nhấn mạnh vào vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc giám sát, quản lý và chia sẻ các giá trị tài nguyên thiên nhiên.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho rằng, để duy trì tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần hướng tới đầu tư, duy trì và tái tạo nguồn lực tài nguyên tự nhiên trong đó, vai trò của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân là rất quan trọng. Chương trình phát triển của Liên hợp quốc luôn sẵn sàng làm việc cùng Chính phủ Việt Nam, các cộng đồng địa phương, khu vực tư nhân, cũng như các đối tác phát triển để tăng cường việc đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên theo cách bền vững hơn, nơi mà không ai bị bỏ lại phía sau.
Thông tin liên hệ
Công ty cổ phần Tre Sinh Thái EcoBambu
Bán giống tre khổng lồ tại Quảng Ngãi – Bán tre cảnh quan – Liên kết hợp tác trồng tre khổng lồ lấy gỗ
Website: ecobambu.vn – Fanpage: facebook.com/TreSinhThaiEcoBambu
Địa chỉ: 126 Lê Trung Đình – Phường Nguyễn Nghiêm – Quảng Ngãi
Hotline: 0918. 664. 966 – 0935. 661. 189